Chủ trương thực hiện lập dự án đầu tư Dự án Nhà máy Điện mặt trời

05/Th9/2018 6:10 chiều

Trong những năm gần đây, nhiều nước đã áp dụng công nghệ sản xuất ngay trên mặt nước của sông hồ và cả trên mặt biển.

Trong số những nước đi tiên phong trong việc xây dựng và thí điểm công nghệ này phải kể đến Israel, cụ thể là hãng Solaris Synergy. Nghiên cứu của hãng Solaris Synergy đưa ra được những hiệu quả đáng ngạc nhiên và nhờ vậy đã đạt được vị trí thứ nhất trong cuộc thi ý tưởng tại Đại học Tel Aviv vào tháng 11/2011.

Phát minh trên của hãng Solaris Synergy có ý nghĩa lớn và được ứng dụng ngày càng rộng rãi trên thế giới. Ngoài Australia – nơi lắp đặt nhà máy điện mặt trời nổi đầu tiên trên thế giới, công nghệ pin năng lượng mặt trời lắp đặt trên mặt nước đã được quan tâm phát triển tại Anh, Úc, Ấn Độ và Ý.

Đặc biệt ở Nhật Bản, một đất nước khá hẹp về diện tích đất đai bằng phẳng và không đủ diện tích để xây dựng các nhà máy điện mặt trời cỡ lớn; nhưng bù lại, nước Nhật có tiềm năng về các hồ tích nước trong nông nghiệp, hồ kiểm soát lũ và ngoài ra, toàn bộ đất nước Phù Tang bao quanh bởi đại dương. Đó là tài sản quý giá để đặt các tấm pin cho các nhà máy điện mặt trời kích cỡ khác nhau.

Ngày 17/7/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La về tình hình kinh tế – xã hội địa phương. Báo cáo với Thủ tướng, lãnh đạo tỉnh Sơn La đã đề nghị Chính phủ cho phép được đầu tư các dự án điện mặt trời trên các lòng hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình. Hiện trên địa bàn tỉnh có 13.000 ha lòng hồ Thủy điện Sơn La và 7.900 ha lòng hồ Thủy điện Hòa Bình. Về việc này, Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, nghiên cứu đề xuất, báo cáo Thủ tướng.

Trước đó vào tháng 2/2017, thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, UBND tỉnh Bình Thuận đã chấp thuận chủ trương cho Công ty CP Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi thuộc Tổng công ty Phát điện 1 (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) khảo sát, nghiên cứu và đầu tư dự án nhà máy điện mặt trời nổi tại hồ Đa Mi thuộc địa bàn tỉnh. Nhà máy điện mặt trời nổi có quy mô công suất 47,5 MWp, với tổng mức đầu tư khoảng hơn 1.500 tỷ đồng, dự kiến đưa vào vận hành năm 2019, điện năng sản xuất bình quân dự kiến hơn 69 triệu kWh/năm đầu tiên. Diện tích đất sử dụng cho Dự án, gồm phần trên mặt hồ khoảng gần 57 ha (lắp đặt panel mặt trời) và phần trên mặt đất khoảng gần 67 ha (xây dựng trạm biến áp, inverter và đường dây tải điện…).

Đây là dự án nguồn điện độc lập chưa có tên trong danh mục nguồn điện của Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030.

Tháng 3/2017, một nhà lắp đặt điện mặt trời Hàn Quốc là công ty Solkiss cũng đã tổ chức chuyến khảo sát hồ thủy điện Thác Bà tại Yên Bái để chuẩn bị xây dựng nhà máy điện mặt trời nổi. Tỉnh Yên Bái đã cam kết sẽ có các cơ chế, chính sách chung, chính sách ưu đãi đối với công ty Solkiss để triển khai thực hiện nhà máy. Đồng thời tỉnh Yên Bái cũng đề nghị phía đối tác chú ý đến các thủ tục về thẩm định dự án và giá bán điện.

Nhận thấy được hiệu quả cao của việc đầu tư Điện mặt trời, Công ty Cổ phần thủy điên Hương Sơn đang tiến hành những nội dung công việc đầu tiên để thực hiện công tác khảo sát và lập dự án đầu tư Dự án Thủy điện mặt trời. Ngày 05/9/2018, Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần thủy điên Hương Sơn đã ban hành Nghị Quyết số 17/HĐQT-NQ ngày 05/9/2018 về việc Phê duyệt chủ trương thực hiện lập dự án đầu tư dự án Điện mặt trời với các thông số cơ bản như sau:

– Công suất: Từ 40MWp – 50MWp;

– Đấu nối: Vào đường điện 110KV từ Nhà máy thủy điện Hương Sơn đến Trạm Biến áp 110kV Linh Cảm.

– Vị trí thực hiện dự án: Xã Sơn Kim 2 và các khu vực phụ cận.

– Thời gian thực hiện: Quý 3/2018.

Nguồn: Thư ký HĐQT